Permanent Doctor 096 232 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Hạ canxi máu: thông tin cần biết và cách phòng tránh

Thursday, 16/03/2023, 07:12 GMT+7

Hạ canxi máu hay còn gọi là tụt canxi là căn bệnh thường gặp hiện nay. Giai đoạn đầu của bệnh thường không có dấu hiệu rõ rệt. Tuy nhiên, nếu chủ quan để bệnh phát triển nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.

  1. Hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi máu là tình trạng mức canxi trong máu thấp hơn mức bình thường. Nồng độ canxi huyết thanh toàn phần nhỏ hơn mức 8,8 mg/dL, trong điều kiện protein huyết tương bình thường, canxi ion hóa dưới mức 4,7 mg/dL.

Kiểm tra lượng canxi trong máu (Nguồn: Internet)

Những chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo với một người trưởng thành mỗi ngày nên nạp vào cơ thể 1000 mg canxi. Trong đó sẽ có khoảng 20 - 40% lượng canxi sẽ được ruột hấp thụ, khoảng 20% sẽ được thận hỗ trợ bài tiết, 20% được đào thải qua các dịch tiêu hóa và phần canxi còn lại sẽ được đào thải ra ngoài cùng với phân.

  1. Nguyên nhân dẫn đến hạ canxi máu là gì?

Lượng canxi cung cấp cho cơ thể không đủ: nguyên nhân này thường gặp ở những đối tượng cơ thể có nhu cầu canxi cao như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, trẻ em đang phát triển nhanh. Nếu cung cấp không đủ lượng canxi hàng ngày sẽ dẫn đến tình trạng hạ canxi máu

Bệnh lý về thận: các bệnh lý như suy thận cũng có thể dẫn đến hạ canxi máu, nguyên nhân do thận giảm bài tiết, các tế bào thận bị tổn thương làm giảm khả năng tổng hợp 1,25OH2D3. Ngoài ra, hội chứng Fanconi khiến lượng canxi qua thận giảm.

Thiếu Vitamin D: lượng vitamin D cung cấp cho cơ thể không đủ cũng là một trong số những nguyên nhân thường gặp dẫn đến hạ canxi máu. Ngoài ra, việc không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa Vitamin D cho cơ thể, từ đó dẫn đến lượng canxi trong máu cũng bị ảnh hưởng.

Dùng các loại thuốc có tác dụng phụ gây ức chế hấp thu canxi: trong quá trình điều trị bệnh phải dùng thuốc hoặc trong đời sống dùng thực phẩm chức năng trong thành phần một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ức chế hấp thu canxi. Nếu dùng nhiều và thời gian dài sẽ gây hạ canxi máu ở mức cao.

  1. Những biểu hiện thường gặp của bệnh hạ canxi máu.

Hạ canxi máu do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng những trường hợp hạ canxi máu cấp tính có khả năng gây nguy hiểm đến người bệnh. Ngày nay, với nhịp sống hối hả thì đây là một căn bệnh đang khá phổ biến nên mỗi người đề phòng bệnh thông qua một số biểu hiện cơ bản thường có.

3.1. Biểu hiện hạ canxi máu mạn tính

Hạ canxi máu mạn tính có thể là hậu quả của giảm tiết hormon tuyến cận gáp, thiếu vitamin D, suy giảm phản ứng với hormon tuyến cận giáp hoặc vitamin D. Dưới đây là một số biểu hiện cơ bản của hạ canxi máu cấp tính:

  • Tóc khô
  • Da khô
  • Móng tay, chân giòn dễ gãy
  • Ngứa kéo dài
  • Đục thủy tinh thể
  • Răng dễ hư, gãy
  • Thường xuyên bị chuột rút
 

Hình ảnh minh họa biểu hiện hạ canxi máu mạn tính (Nguồn: Internet)

3.2. Biểu hiện hạ canxi máu cấp tính

Hạ canxi máu cấp tính thường gây nên các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng khi nồng độ canxi huyết tương < 1,9 mmol/l. Đây có thể xem là chuyển biến nặng của bệnh hạ canxi máu, mọi người cần chú ý một số biểu hiện sơ bộ của hạ canxi máu cấp tính:

  • Tê quanh miệng, đầu ngón tay, đầu ngón chân
  • Co giật
  • Cơ toàn thân đau nhức, cơ mặt bị co giật
  • Co cứng cơ ở lưng và 2 chân
  • Khó thở, suy tim cấp
  • Co thắt thanh quản
  1. Cách sơ cứu cơ bản người bị hạ canxi máu

Khi gặp trường hợp người bị hạ canxi máu, đầu tiên cần tâm lý bình tĩnh, di chuyển nạn nhân đến nơi thoáng mát. Cố giữ nạn nhân ở trạng thái tỉnh táo (vỗ hai bên má mà gọi tên nạn nhân). Trường hợp nạn nhân đã bất tỉnh, hãy ấn huyệt nhân trung ở giữa mũi và miệng giúp tăng hô hấp cho nạn nhân.

Ảnh minh họa sơ cứu người bị hạ canxi máu (Nguồn: Internet) 

Tiếp theo, tìm kiếm xem nạn nhân có mang theo thuốc canxi bên người hay không (dạng viên nén, sủi…). Cho nạn nhân dùng thuốc nếu có và cho nạn nhân nằm nghỉ ngơi, đồng thời xoa tay chân cho nạn nhân nếu nạn nhân có biểu hiện tê và co cứng tay chân. Trường hợp không có thuốc cần lập tức đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất.

  1. Những cách phòng tránh bệnh hạ canxi máu

Thông qua các nguyên nhân có thể gây ra bệnh hạ canxi máu cũng như một số biểu hiện của bệnh đã biết được sự nguy hiểm của căn bệnh mà mọi người vẫn luôn ít quan tâm đến. Những chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra khuyến cáo cho mọi người về các cách phòng tránh bệnh hạ canxi máu:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nguy hiểm có thể gặp phải
  • Ăn uống thực phẩm giàu canxi: bao gồm sữa chua, sữa, ngũ cốc, phomai và các loại rau xanh có màu đậm. Đây là cách tốt nhất, hiệu quả và dễ dàng nhất để đảm bảo lượng canxi cho cơ thể
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ dùng thêm một số sản phẩm bổ sung canxi và vitamin D
  • Tập thể dục: thường xuyên tập thể dục như đi bộ, bơi lội và một số môn thể thao khác sẽ giúp chắc khỏe xương và cải thiện sức khỏe bản thân.
  • Không hút thuốc lá: hút thuốc lá gây mất lượng canxi qua nước tiểu
  • Bổ sung vitamin D qua phơi nắng: buổi sáng phơi nắng trước 9h và buổi chiều sau 15h sẽ giúp tạo ra vitamin D nếu cơ thể đang thiếu. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mắc ung thư da hoặc có nguy cơ ung thư da.

Bệnh hạ canxi máu có các cách phòng tránh rất đơn giản, áp dụng dễ dàng trong cuộc sống hàng ngày. Áp dụng các cách phòng tránh trên có thể vừa giúp ngừa bệnh hạ canxi máu vừa nâng cao sức khỏe bản thân mình.

Hiện nay, mọi người thường chủ quan và ít quan tâm đến bệnh hạ canxi máu. Bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và khuyến cáo mọi người khi gặp phải một số biểu hiện của bệnh, cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.

 

BS.CKI Trương Hiền Phú
TAG: