Permanent Doctor 096 232 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Tầm soát ung thư cổ tử cung với xét nghiệm phết tế bào Pap Smear

Friday, 21/10/2022, 15:28 GMT+7

Ung thư cổ tử cung là một trong những nỗi lo của phụ nữ ngày nay. Khi chỉ riêng tại Việt Nam hằng năm đã có số ca mắc mới là hơn 5000 người với tỉ lệ tử vong gần 40%. Ngoài những biện pháp phòng bệnh, thì giải pháp tầm soát ung thư sớm được nhiều bác sĩ khuyên áp dụng nhằm phát hiện và điều trị sớm ung thư cổ tử cung. Theo đó, phương pháp được áp dụng rộng rãi nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung được biết đến là xét nghiệm phết tế bào Pap Smear. 

Vậy Pap Smear là gì? Pap Smear có vai trò quan trọng như thế nào trong ngăn chặn ung thư cổ tử cung?

1. Ung thư cổ tử cung: nguyên nhân và mức độ nguy hiểm

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ hiện nay với tỉ lệ 9% phụ nữ mắc bệnh. Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cũng chiếm đến 40% người mắc bệnh. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu có thể gây vô sinh, dần về sau khi biến chứng sẽ gây chảy máu bất thường, đau nhói. Khi các tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác có thể gây suy thận, phù chân, thiếu máu nặng. Người bệnh ở giai đoạn của của ung thư sẽ dần mất đi cơ hội sống dù được cắt bỏ hay xạ trị. 

So sánh cổ tử cung bình thường và cổ tử cung có xuất hiện tế bào ung thư

Nguyên nhân chủ yếu của ung thư cổ tử cung là đến từ virus HPV gây bệnh. Đây là loại virus gây ung thư chủ yếu ở người. HPV có hơn 100 type với hơn 15 type được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Ung thư cổ tử cung thường đến từ virus HPV type 16 và type 18. Đường lây truyền của virus HPV là đường tình dục, xuất hiện chủ yếu ở người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, người có hệ miễn dịch kém, người có thói quen hút thuốc lá. 

2. Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

Hiện tại, để phát hiện ung thư cổ tử cung có nhiều phương pháp được áp dụng, nhưng phổ biến nhất là xét nghiệm tầm soát. Xét nghiệm ung thư cổ tử cung có nhiều cách khác nhau như ThinPrep Pap, Pap Smear,... Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường tiến hành kèm với các xét nghiệm phát hiện virus HPV. Bởi virus HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, sự hiện diện của HPV chính là nguy cơ lớn cho bệnh ung thư. 

3. Phương pháp xét nghiệm phết tế bào 

Pap Smear hay xét nghiệm phết tế bào là một phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay. Phương pháp này được áp dụng ở hầu hết các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ khoa. Pap Smear không chỉ giúp phát hiện các tế bào ung thư cổ tử cung mà còn có thể xác định được các dấu hiệu bất thường của cổ tử cung. Từ đó có thể phát hiện sớm các nguy cơ ung thư. 

3.1. Kỹ thuật phết tế bào

Kỹ thuật Pap Smear được tiến hành bằng cách lấy mẫu tế bào ở khu vực cổ tử cung. Sau đó, phết tế bào có được lên lam kính cùng dung dịch chuyên dụng và theo dõi qua kính hiển vi để xác định các bất thường. Đây là kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung truyền thống. Để kết quả của xét nghiệm được chính xác nhất cần phụ thuộc vào mẫu tế bào, kỹ thuật lấy mẫu, kỹ thuật dò xét tế bào. 

3.2. Đối tượng nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp cơ bản nhất để phát hiện sớm bệnh lý. Các bác sĩ khuyến cáo, ở tất cả phụ nữ đã từng có quan hệ tình dục ở cả khác giới lẫn đồng giới thì đều nên thực hiện tầm soát định kỳ. 

Đặc biệt hơn với những đối tượng dễ bị mắc ung thư cổ tử cung như người có nhiều bạn tình, người bị nhiễm HIV, người hay hút thuốc lá và những người có hệ miễn dịch kém. Những đối tượng trên được thống kê có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn so với người bình thường. 

3.3. Quy trình thực hiện 

Quy trình lấy mẫu thường được thực hiện trong phòng khám phụ khoa chuyên biệt, bác sĩ nữ hoặc điều dưỡng nữ sẽ là người trực tiếp lấy mẫu. Người bệnh được yêu cầu thay váy, để thoát y phần dưới và nằm trên giường dành cho khám phụ khoa. 

Bác sĩ sẽ dùng 1 dụng cụ được gọi là mỏ vịt để chèn và mở rộng phần âm đạo sao cho có thể nhìn thấy cổ tử cung bên trong. Sau đó bác sĩ sẽ dùng 1 bàn chải mềm và dụng cụ que có dạng như 1 cái thìa để lấy mẫu ở cổ tử cung. 

Kỹ thuật Pap Smear

Nếu chỉ mới thực hiện lần đầu, người bệnh thường có cảm giác ngại ngùng, khó chịu vùng âm đạo, đôi khi sẽ hơi đau vùng chậu. Thế nhưng, đây là phương pháp chuyên môn y khoa, dễ thực hiện và nhanh chóng cho nên người bệnh không cần lo lắng.

3.4. Giá trị của xét nghiệm Pap Smear

Kết quả của xét nghiệm Pap Smear bình thường sẽ có giá trị kéo dài đến 3 năm. Vậy nên, người bệnh có thể thực hiện xét nghiệm Pap Smear định kỳ sau 3 năm để tầm soát ung thư cổ tử cung. 

Còn với những kết quả ghi nhận sự bất thường, tùy theo tình trạng mà các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh thực hiện lại xét nghiệm tầm soát phết tế bào sau 3 tháng đến 1 năm. Bởi các tế bào gây ung thư có thể biến chuyển nhanh bất thường thành khối u gây nguy hiểm. Nếu đã ghi nhận bất thường thì xét nghiệm sẽ có chức năng theo dõi quá trình phát triển của tế bào từ đó đưa ra phương pháp điều trị và ngăn chặn ung thư. 

3.5. Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Pap Smear

Trước, trong và sau khi thực hiện Pap Smear người bệnh cần lưu ý để có được kết quả xét nghiệm chính xác và hiệu quả nhất. 

Trước khi thực hiện xét nghiệm:

  • Không thực hiện lấy mẫu Pap Smear với phụ nữ đang mang thai

  • Không quan hệ tình dục trong 2-3 ngày trước khi lấy mẫu

  • Không đang trong chu kỳ kinh nguyệt, nên lấy mẫu sau ít nhất 5 ngày từ khi hết kỳ kinh

  • Đang không sử dụng bọt tránh thai, băng vệ sinh, thuốc đặt âm đạo

  • Không thụt hay rửa bên trong âm đạo trong 2 -3 ngày trước khi lấy mẫu

Trong khi lấy mẫu:

  • Nằm đúng tư thế được yêu cầu khi lấy mẫu

  • Thả lỏng cơ thể, tinh thần thoải mái, hạn chế dịch chuyển người khi bác sĩ đang lấy mẫu

Sau khi lấy mẫu:

  • Sau xét nghiệm, tình trạng chảy máu âm đạo có thể xảy ra, nếu chảy nhiều máu hãy báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ

  • Đôi khi xét nghiệm sẽ có kết quả âm tính dù tồn tại tế bào ung thư, đây được gọi là trường hợp “âm tính giả”. Vậy nên các bác sĩ nếu thấy bất thường sẽ có thể cho thực hiện thêm các xét nghiệm khác để rà soát thêm. 

Xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung là một trong những xét nghiệm quan trọng nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Nó đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm và kịp thời tế bào ung thư, đưa ra được phương pháp điều trị và hạn chế nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung.


Diễm Hà